Chiều ngày 30/3/2018, Phòng GDĐT huyện Tháp Mười tổ chức Hội thảo “Sinh hoạt Tổ chuyên môn” cấp tiểu học, năm học 2017-2018. Tham gia hội thảo có 105 đại biểu là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên là Tổ trưởng chuyên môn của các trường tiểu học, trường TH&THCS và thành viên Tổ chuyên môn Tiếng Việt – Hội đồng chuyên môn tiểu học cấp huyện tham dự.
Ông Hồ Phú Trường, Phó Trưởng phòng, Phòng GDĐT đến dự và phát biểu trong hội thảo, Ông đã đánh giá cao về chất lượng hội thảo, thông qua nội dung buổi sinh hoạt tổ chuyên môn do giáo viên Tổ chuyên môn khối lớp 5 Trường Tiểu học Dương Văn Hòa thực hiện, nội dung báo cáo tham luận về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và dự giờ tiết dạy và những ý kiến đề xuất, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu trong hội thảo đã góp phần rất lớn trong việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tiếp cận đổi mới căn bản, toàn diện chương trình giáo dục phổ thông sắp tới. Ông Hồ Phú Trường yêu cầu các trường mạnh dạn nghiên cứu, vận dụng các nội dung chia sẻ trong hội thảo tại đơn vị sao cho phù hợp, trong đó cần tập trung tháo gỡ những khó khăn về chuyên môn cho giáo viên, làm sao để giáo viên thấy được Tổ chuyên môn chính là một trong những nơi tin cậy để giúp giáo viên bồi dưỡng tay nghề, nâng cao năng lực sư phạm.
Trong hội thảo có hơn hai mươi hai nội dung chia sẻ kinh nghiệm, trong đó có nhiều giải pháp, hình thức, nội dung tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn một cách linh hoạt, sáng tạo và đạt hiệu quả để các đơn vị tham khảo và vận dụng vào thực tiễn. Cụ thể như: công tác quản lý, chỉ đạo sinh hoạt tổ chuyên môn của hiệu trưởng; chuẩn bị nội dung và phân công nhiệm vụ thành viên trong tổ của Tổ trưởng trước khi tổ chức sinh hoạt; nhận xét, đánh giá sâu sắc về những mặt mạnh, hạn chế và trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ; dành nhiều thời gian để các thành viên trong tổ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những cách dạy các bài học sắp tới đạt hiệu quả hoặc giáo dục học sinh chưa ngoan, nhất là những nội dung, kiến thức khó dạy hoặc những năm trước dạy chưa đạt kết quả để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên; Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng) dự buổi sinh hoạt tổ chuyên môn để có ý kiến, chốt lại những nội dung chính cần vận dụng thực tế ở các lớp hoặc những nội dung nào chưa hợp lý, trao đổi chưa đi đến thống nhất thì Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng) sẽ chốt lại để thực hiện; trong sinh hoạt tổ chuyên môn còn có nhiều nội dung khác cần trao đổi, chia sẻ, nhất là công tác chuyên môn nếu giáo viên còn lúng túng, khó khăn,… thì cũng cần đưa ra để trao đổi, chia sẻ tìm cách thực hiện đạt hiệu quả; nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn cần dựa trên nhu cầu thực tế từ giáo viên, giáo viên có thể đề xuất, Tổ trưởng tổng hợp ý kiến của giáo viên và tham mưu với Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng) để chọn những nội dung, hình thức sinh hoạt sao cho phù hợp và hiệu quả,…
Hội thảo đã được nhiều cán bộ quản lý, Tổ trưởng chuyên môn của các trường quan tâm, tích cực chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thu, chắc chắn rằng những nội dung chia sẻ trong hội thảo hôm nay sẽ được vận dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trong thời gian tới./.
Người viết: Lương Hoàng Giang
147 thoughts on “HỘI THẢO “SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN” CẤP TIỂU HỌC”
Đã khóa bình luận