Một trong những hệ quả của quá trình toàn cầu hóa đó là sự thống trị của tiếng Anh – ngôn ngữ quốc tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin truyền thông đã góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng nhiều ngôn ngữ trên internet để công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin. Từ thực tiễn đó đòi hỏi việc cần phải “nội địa hóa thông tin” nhằm thích ứng nhu cầu của công dân mỗi quốc gia, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa bản địa.
Chia sẻ về vấn đề này, GS, TS Vũ Văn Đại, Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội cho biết: “Nội địa hóa là quá trình nhận thức thông tin quốc tế thông qua lăng kính quốc gia, hay một khu vực địa chính trị nhất định và nhà báo, dịch giả đóng vai trò trung gian quan trọng”. Bên cạnh đó, ông cũng phân tích về sự cần thiết của việc nội địa hóa thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay và vai trò của nhà báo, dịch giả trong công việc này. Để có thể tiếp cận được sự đa ngôn ngữ, không chỉ đòi hỏi nỗ lực ở mỗi cá nhân mà còn ở các cơ quan, tổ chức và đặc biệt muốn nhấn mạnh ở đây là các cơ quan báo chí. Bởi hiện nay nguồn thông tin của thế giới thường do những hãng thông tấn lớn như Reuters, AFP, AP, Interfax… truyền phát và các cơ quan báo chí có nhiệm vụ là dựa vào nguồn tin đó để biên soạn tin tức phục vụ nhân dân.
Vậy một nhà báo thực hiện việc dịch tài liệu nguồn coi đó là một nguồn cung cấp dữ liệu để từ đó biên soạn một bài viết mới theo tiêu chuẩn ngôn ngữ, văn hóa, chính trị và tư tưởng đạo đức của xã hội tiếp nhận hay theo lăng kính của chính mình? Với nhiệm vụ đặc biệt là cung cấp thông tin đến độc giả nội địa, quan điểm chính trị, hệ tư tưởng của nguyên bản và của chính nhà báo có hệ quả như thế nào với dịch thuật. Trong chuyên đề “Vấn đề nội địa hóa thông tin”, GS, TS Vũ Văn Đại đề cập đến kỹ thuật cải biên với tư cách là một thủ pháp dịch, sau đó ông phân tích những nguyên tắc cơ bản của việc nội địa hóa thông tin và cuối cùng trình bày đề xuất ứng dụng cho giảng dạy dịch đối với trường Đại học Hà Nội nói riêng và các trường nói chung.
Thế nào là cải biên?
Theo các nhà ngôn ngữ học Canada, J.P Vinay và J.Darbelnet (1997), J.Delisle (1999): “Cải biên với tư cách là một thủ pháp dịch thay thế một thực tế văn hóa xã hội của ngữ nguồn bằng thực tế văn hóa xã hội của ngữ đích sao cho bản dịch phù hợp với đối tượng tiếp nhận”. Như vậy, cải biên cũng nhằm thiết lập sự tương đương giữa ngữ nguồn và ngữ đích, nhưng là sự tương đương về tình huống giao tiếp, văn hóa – xã hội ngoài ngôn ngữ.
Trong một tiểu thuyết của Anh có đoạn: “He kissed his daughter on the mouth” miêu tả một người cha đi công tác xa về, cô con gái chạy ra đón và ông bố hôn lên môi con gái. Nếu dịch sang tiếng Việt mà không có sự cải biên thì thực tế sẽ không phù hợp với nền văn hóa Việt Nam, chưa kể độc giả tiếp nhận bản dịch sẽ phản ứng ra sao? Có ba hình thức cải biên: lược bỏ, thêm vào và thay thế.
Lược bỏ là không dịch một phần của nguyên bản: có thể là một từ, một ngữ, một câu hay một đoạn văn. Thí dụ, trong bản tin Hội Hữu nghị Việt – Pháp, số 4 – 2005, viết như sau: “Dans cette tâche, le Vietnam et la France sont des partenaires naturels. Vous et nous mettons déjà notre coopération au service des États les plus pauvres du Sud”. Nếu dịch nguyên văn sang tiếng Việt, nghĩa như sau: “Trong sứ mệnh ấy, Việt Nam và Pháp là những đối tác tất yếu. Các bạn và chúng tôi đã từng hợp tác trong việc giúp đỡ các quốc gia nghèo nhất ở phía Nam”. Vốn dĩ trong tiếng Pháp, “các nước Phương Nam” chỉ những nước nghèo, tập trung nằm ở phía Nam của các nước phát triển, do đó, khi biên dịch có thể lược bỏ nhóm từ “ở phía nam” vì việc dịch nhóm từ này không những không cần thiết mà còn gây khó hiểu đối với công dân Việt Nam.
Thêm vào là đưa vào bản dịch những thông tin không có trong nguyên bản nhằm giải thích cho rõ hơn hoặc mở rộng nội dung, giúp độc giả hiểu nội dung dễ dàng. Thí dụ: “Le Sénat vote le projet de loi sur la formation professionnelle, amputé de sa partie sur l’inspection du travail”. Nguyên nghĩa là “Thượng viện bỏ phiếu thông qua dự luật về đào tạo nghề đã cắt bỏ phần về thanh tra lao động” (bài đăng trên báo Pháp Le Mondue, ngày 21-2-2014). Đối với độc giả là người Pháp, tác giả chỉ cần viết là “Thượng viện” vì đây là một quy chiếu quen thuộc đối với người Pháp, cũng giống như khi nói đến “Đảng” ở Việt Nam thì mọi người đều hiểu đó là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngược lại, nếu độc giả là người Việt Nam, người biên dịch cần phải giải thích rõ đó là “Thượng viện Pháp”.
Thay thế là thay một yếu tố văn hóa của nguyên bản bằng một yếu tố khác được coi là tương đương. Thí dụ, một vị khách Nhật được một nhà công nghiệp Pháp mời dự một bữa tiệc chiêu đãi rất sang trọng, sau bữa ăn đã bày tỏ sự cảm ơn của mình: “You are very rich man”, có nghĩa “Ông là một người rất giàu có”. Nhưng vị khách người Nhật không biết rằng trong giao tiếp xã giao của người Pháp, cần tránh đề cập đến một số chủ đề tế nhị như tuổi tác, thu nhập hay tài sản của đối tác, điều này là không phù hợp với quy ước văn hóa – xã hội của người Pháp. Trong trường hợp này, phát ngôn của người Nhật nên được thay thế là “Thank you ever so much”.
Những nguyên tắc cơ bản của nội địa hóa thông tin
Việc “nội địa hóa” nhằm tăng hiệu quả kinh tế: sản phẩm phù hợp từng thị trường, từng đối tượng. Theo đó, nội địa hóa một bài viết, một trang mạng chính là dịch và cải biên nội dung thông tin, hình ảnh, tư liệu nguồn sao cho phù hợp với một cộng đồng ngôn ngữ, một nền văn hóa. Những bài viết, trang mạng là cửa sổ quảng bá cho doanh nghiệp và thương hiệu nằm trong khuôn khổ giao tiếp đa ngữ nhằm đạt được những mục tiêu văn hóa, thương mại đề ra.
Trong xu thế toàn cầu hóa, người dịch không phải là người duy nhất đóng vai trò trung gian ngôn ngữ – văn hóa, bên cạnh còn có các nhà báo, phóng viên. Trên thực tế, các cơ quan thông tấn báo chí quốc gia, quốc tế không tuyển dịch biên phiên dịch mà tuyển nhà báo, phóng viên biết ngoại ngữ. Điều này vừa bảo đảm về chuyên môn vừa bảo đảm độ chính xác về nội dung được biên dịch. Tuy nhiên, các nhà báo có xu hướng không coi mình là dịch giả, họ không sử dụng thuật ngữ “dịch” mà dùng cụm từ “chuyển ngữ”. Một số nhà báo còn khẳng định “dịch không phải là công việc của nhà báo”.
Trong khuôn khổ chuyên đề, GS, TS Vũ Văn Đại khẳng định: “Biên soạn là một kỹ năng quan trọng đối với những sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tại các cơ quan truyền thông của Việt Nam hay của nước ngoài”.
Bên cạnh đó, ông đưa ra một số nguyên tắc phương pháp luận có thể giúp giáo viên đạt được hiệu quả sư phạm cao và tạo sự hứng thú cho sinh viên: Nguyên tắc thứ nhất là lựa chọn tư liệu nguồn phù hợp phải căn cứ vào các tiêu chí như tính thời sự, chủ đề hấp dẫn và khả dụng; Nguyên tắc thứ hai đó là hướng dẫn chi tiết phương pháp thực hiện qua các bước như là nắm bắt nội dung tư liệu trên cơ sở phân tích và phát hiện hàm ý, xác định độc giả đích và chức năng của bài viết, lập dàn ý của bài viết bằng ngữ đích, viết bài báo bằng ngữ đich, đọc và chỉnh sửa bài đã viết; Nguyên tắc thứ ba là đánh giá bài viết nội địa hóa theo tiêu chí xác định trước, đây là phương pháp để các nhóm sinh viên tiếp cận bài viết của nhau sau đó trình bày nhận xét trước lớp.
Một trong những xu hướng phổ biến hiện nay là nội địa hóa thông tin quốc tế nhằm tăng hiệu quả truyền thông của nguồn tư liệu, có vai trò phân tích, chọn lọc, cải biên thông tin nguồn phục vụ một cách hiệu quả cho các đối tượng đồng thời tuân thủ các chuẩn mực về văn hóa chính trị, tư tưởng đạo đức của xã hội tiếp nhận thông tin. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến công việc của nhà báo, dịch giả vốn là những người bảo vệ giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của một xã hội, đảm nhiệm chức năng trung gian văn hóa, tư tưởng chính trị.
Theo Báo Nhân Dân.
139 thoughts on ““Nội địa hóa thông tin” trong bối cảnh toàn cầu hóa”
Đã khóa bình luận